Huawei gửi kiến nghị yêu cầu tòa án coi lệnh cấm cơ quan chính phủ Mỹ mua thiết bị của tập đoàn này là vi hiến và cấm thực thi.
Logo của Huawei tại một cửa hàng tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP.
Song Liuping, trưởng phòng pháp chế tập đoàn Huawei, hôm nay cho biết công ty Trung Quốc này đã nộp kiến nghị lên tòa án liên bang Mỹ ở Plano, Texas, yêu cầu bãi bỏ lệnh cấm các cơ quan chính phủ liên bang mua sản phẩm của Huawei.
Lệnh cấm mà Song đề cập là Điều 889 trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2019 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hồi tháng 8/2018, trong đó yêu cầu các cơ quan liên bang và nhà thầu Mỹ không mua thiết bị và dịch vụ từ Huawei hay hợp tác với bên thứ ba là khách hàng của tập đoàn Trung Quốc này.
"Đạo luật này áp đặt nhiều hạn chế đối với Huawei", Song nói. "Hy vọng tòa án Mỹ sẽ tuyên bố lệnh cấm Huawei là vi hiến và cấm thực thi". Huawei lập luận rằng lệnh cấm được nêu trong Điều 889 của NDAA là vi hiến khi "trừng phạt một người hoặc một nhóm mà không cần xét xử".
"Chính phủ Mỹ không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy Huawei là mối đe dọa an ninh. Chẳng có lửa, cũng không có khói, chỉ toàn là suy đoán", Song nói. "Huawei tin vào sự độc lập và toàn vẹn của hệ thống tư pháp Mỹ và hy vọng tòa án sẽ sửa chữa những sai lầm trong NDAA".
Đơn kiến nghị này của Huawei đề nghị thẩm phán tòa án liên bang ra "quyết định tóm lược" nhằm nhanh chóng giải quyết khiếu nại của họ dựa trên những thông tin đã được cung cấp mà không cần phải trải qua tiến trình xét xử đầy đủ.
Đơn kiến nghị này được đưa ra gần ba tháng sau khi Huawei nộp đơn kiện chính phủ Mỹ trong nỗ lực đảo ngược lệnh cấm liên bang đối với thiết bị mạng của họ. Các động thái trên mặt trận pháp lý của Huawei ở tòa án Mỹ cho thấy tập đoàn này sẵn sàng sử dụng mọi phương thức để ngăn nguy cơ bị gạt khỏi cuộc đua xây dựng mạng 5G trong tương lai.
Mỹ từ lâu cáo buộc Huawei là "công cụ do thám" của chính phủ Trung Quốc, song tập đoàn viễn thông Trung Quốc phủ nhận điều này. Chính phủ Mỹ cấm sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G, đồng thời thuyết phục các đồng minh có hành động tương tự, do lo ngại về nguy cơ an ninh từ các thiết bị do tập đoàn này cung cấp.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 15/5 cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông bị coi là rủi ro với an ninh quốc gia. Bộ Thương mại Mỹ sau đó cũng đưa Huawei và khoảng 68 chi nhánh vào danh sách cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ, khiến tập đoàn hàng đầu Trung Quốc này đứng trước nguy cơ bị cô lập về công nghệ.
Trước đó, Mỹ đã đề nghị Canada bắt Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei, với các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran. Mạnh Vãn Chu đang bị quản thúc tại Canada để chờ phiên tòa xem xét việc dẫn độ về Mỹ.
Các biện pháp nhắm vào Huawei được Mỹ tung ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục tăng nhiệt. Năm 2018, Washington thực hiện nhiều đợt áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đáp trả, áp thuế đối với 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.
Đầu tháng 5, Mỹ nâng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái.
Tổng thống Mỹ đe dọa tiếp tục đánh thuế 25% với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Bắc Kinh. Mỹ có thể công bố biện pháp áp thuế này với Trung Quốc đúng thời điểm cuộc gặp Trump - Tập bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Nhật Bản vào ngày 28 và 29/6.
Huyền Lê (Theo AFP)
Chính phủ Mỹ không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy Huawei là mối đe dọa an ninh may hut am cong nghiep
Trả lờiXóaMỹ đã đề nghị Canada bắt Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei máy phát điện chạy dầu
Trả lờiXóa