Tự bào chữa trước toà, cựu Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT-TT) Phạm Đình Trọng cho rằng, sự thiếu rõ ràng, lúng túng của luật sẽ khiến 100% doanh nghiệp nhà nước có thể bị khởi tố như vụ MobiFone mua AVG.
Cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Phạm Đình Trọng
Ảnh Sơn Vũ
Trước đó, bị cáo Phạm Đình Trọng bị Viện kiểm sát đề nghị 5 - 6 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Cáo trạng của Viện kiểm sát chỉ rõ, căn cứ quy định tại khoản 2 điều 31 luật Đầu tư ngày 26.11.2014 (viết tắt là luật số 67/2014/QH13) thì dự án có mức đầu tư 5.000 tỉ đồng trở lên thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng. Đối với dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone có tổng mức đầu tư là 8.900 tỉ đồng phải được Thủ tướng quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, trong khi Thủ tướng chưa phê duyệt, nhưng Bộ TT-TT đã ban hành quyết định đầu tư là trái quy định.
Bên cạnh đó, với vai trò, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, Bộ TT-TT chịu trách nhiệm xem xét, quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, dự án thuộc nhóm A nhưng chưa được Bộ TT-TT phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm là vi phạm khoản 2 Điều 19 luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (viết tắt là luật số 69/2014/QH13);
Ngoài ra, dự án này cũng vi phạm điều 20 luật số 69/2014/QH13 về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng; điều 21 luật số 69/2014/QH13 về trình tự thủ tục đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp.
Tự bào chữa trước toà trong phiên xét xử sáng nay, 23.12, bị cáo Trọng cho rằng, mình luôn băn khoăn, lúng túng trong cách hiểu về dự án nên đã có nhiều văn bản hỏi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính…
“Bộ KH-ĐT, theo luật số 67, là cơ quan chủ trì thẩm định, phải trình Thủ tướng để phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, nhưng lại không đứng ra thẩm định, không có bất cứ một yêu cầu nào. Bộ này lại đưa ra ý kiến tham mưu cho Thủ tướng chấp thuận chủ trương khiến Bộ TT-TT hiểu nhầm và làm sai”, bị cáo Trọng tự bào chữa.
“Sự hiểu và áp dụng pháp luật đến bây giờ còn rất khác nhau giữa cơ quan quản lý nhà nước, luật sư, cơ quan điều tra, viện kiểm sát. Tôi luôn cố gắng hiểu thấu đáo, đúng nhất về các quy định của pháp luật, khi còn băn khoăn xin ý kiến Bộ Tài chính (chủ trì luật số 69) và Bộ KH-ĐT (chủ trì luật số 67). Hai cơ quan này đều khẳng định việc phê duyệt là đúng. Thanh tra Chính phủ cũng có ý kiến và được Phó thủ tướng Trương Hoà Bình kết luận dự án thực hiện điều 20 và 21 của luật 69 là không sai”, bị cáo Phạm Đình Trọng tiếp tục phân tích.
Trong cùng một luật làm theo điều này là đúng, còn làm theo điều khác lại vi phạm. Áp dụng theo luật số 67 thì đúng còn áp dụng theo luật số 67 lại là sai, thậm chí các bộ tham mưu là Tài chính, KH-ĐT khẳng định đúng, khiến Bộ TT-TT ra quyết định đầu tư 236 cho MobiFone mua AVG… Với những lý do như vậy, bị cáo Phạm Đình Trọng phân trần khi làm dự án quá lúng túng, luật không rõ ràng dẫn tới cách hiểu khác nhau.
“Nếu không xác định rõ thì 100% doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi tiến hành hoạt động mua bán cổ phần, cổ phiếu sẽ bị khởi tố như tôi đứng ở đây. Bởi áp dụng điều 20 và 21 của luật số 69 thì các thương vụ mua cổ phần tương đương dự án nhóm B sẽ phải do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định. Ví dụ, MobiFone mua AVG là nhóm B do Bộ TT-TT quyết định, vậy tất cả DNNN khi mua cổ phần không được bộ, ủy ban tỉnh phê duyệt sẽ từ trước nay sẽ bị khởi tố hết”, ông Trọng nói.
Nguồn: thanhnien.vn